Nov 27, 2008

'Bật mí' thị trường laptop

Bên cạnh hàng mới 100%, trên thị trường vẫn có hàng xếp loại hai, loại ba của các công ty, tập đoàn bán lẻ ở nước ngoài bán cho các công ty chuyên nhập hàng về Việt Nam.

Ảnh: Hoàng Hà.

Tại Việt Nam, người tiêu dùng mới chỉ dừng lại ở yếu tố "chính hãng" của sản phẩm. Ảnh: Hoàng Hà.

Khách hàng thường rất vững bụng khi mua laptop có thương hiệu nổi tiếng như Dell, Sony, IBM, Toshiba, HP, Compact... Nhưng rất nhiều người không hề biết là những hãng lớn như vừa nêu cũng đưa ra thị trường nhiều loại hàng có chất lượng và giá bán khác nhau. Tất cả đều là "hàng chính hãng", nhưng có sự khác biệt đáng chú ý. Việc làm của họ là công khai, minh bạch và đem lại lợi ích cho chính giới tiêu thụ sản phẩm.

Nhưng tại thị trường Việt Nam, người ta thường tập trung chú ý vào yếu tố "chính hãng" của sản phẩm mà không quan tâm đến thiết bị đó có thực sự là sản phẩm mới 100% hay không. Không phải lúc nào khách hàng mua laptop cũng được mang về hàng mới 100% như lời "tư vấn" của các nhân viên bán hàng. Thậm chí, ngay cả các nhân viên kinh doanh của các công ty cũng không hề biết chắc sản phẩm của mình bán có thực sự là hàng mới 100% hay không.

Bên cạnh hàng mới 100%, trên thị trường vẫn có hàng xếp loại hai, loại ba của các công ty, tập đoàn bán lẻ ở nước ngoài bán cho các công ty chuyên nhập hàng về Việt Nam và phân phối lại cho các công ty bán lẻ. Nếu nhìn bằng mắt thường, ngay cả chuyên viên kỹ thuật cũng không thể phân biệt được đâu là laptop mới 100%, đâu là hàng loại hai, loại ba. Công ty phân phối giấu nhẹm thông tin, người dùng không biết kiểm tra và cứ ngỡ rằng mình mua được đồ xịn với giá rẻ.

Hầu như các thiết bị điện tử công nghệ thông tin đều có hàng loại hai, một số ít có hàng loại ba. Thị trường laptop trong nước đã xuất hiện khá nhiều hàng loại hai trên các thiết bị số như loa máy tính, máy nghe nhạc MP3/MP4 (nhất là iPod), màn hình LCD, đầu đĩa DVD... Tại các cửa hàng chuyên bán laptop, dạng máy thuộc hàng loại hai, ba thường thấy nhất là sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng.

Ảnh: Hoàng Hà.

Cả hàng Brand New, Refurbished và Reconditioned đều được bày bán chung. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Cả ba loại hàng trên đều phải thông qua quy trình kiểm tra chặt chẽ theo tiêu chuẩn chất lượng của hãng trước khi được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại khác nhau.

Sau khi kiểm tra, những laptop hoàn toàn không bị phát hiện lỗi nào sẽ được đóng hộp, xuất xưởng ngay. Đó là hàng Brand New.

Được xếp vào nhóm hàng Refurbished và Reconditioned gồm những sản phẩm không đáp ứng tuyệt đối các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của nhà sản xuất, nhưng vẫn nằm trong biên độ lỗi cho phép xuất xưởng. Cũng có thể là hàng bị lỗi do quá trình vận chuyển từ nhà sản xuất đến cửa hàng bán lẻ, hàng mới thuộc dạng Brand New nhưng trong thời gian bảo hành và bị người mua trả lại. Ở nước ngoài, hàng Brand New, Refurbished và Reconditioned được bày bán kèm theo thông tin rõ ràng và giá bán khác nhau.

Các nhà sản xuất bán ra loại hàng Refurbished thường chấp nhận thời hạn bảo hành cho người dùng là 90 ngày, với hàng Reconditioned là 30 ngày. Thời gian cam kết bảo hành các loại hàng cho công ty bán lẻ tùy theo thỏa thuận với các nhà nhập khẩu, phân phối. Về giá cả, đối với hàng Refurbished, các công ty bán lẻ có thể được giảm tới 30% và Reconditioned thì tới 50% so với hàng Brand New.

Hàng Refurbished, Reconditioned nhập về Việt Nam, các công ty đều tăng thời gian bảo hành lên một năm (bằng với thời gian bảo hành hàng Brand New), và giảm giá bán từ 10 - 20 USD so với hàng Brand New. Tuy nhiên, dù được nhà sản xuất hoặc hãng bán hàng nước ngoài cung cấp thông tin về từng loại hàng, nhưng các công ty nhập hàng về Việt Nam che giấu hoặc chỉ công bố thông tin một cách mập mờ. Do đó, người tiêu dùng không thể biết thông tin chính xác về sản phẩm mình chọn mua. Nói cách khác, nhiều người mua sản phẩm Refurbished (hoặc Reconditioned) nhưng cứ tưởng mình mua được hàng chính hãng mới toanh, với giá ưu đãi.

Ảnh: Hoàng Hà.

Thông tin về sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước chưa trọn vẹn. Ảnh: Hoàng Hà.

Vậy chất lượng hai loại hàng trên thực sự thế nào? Câu trả lời cho những khách hàng lỡ mua loại này là còn tùy vào sự may rủi.

Về lý thuyết, chất lượng loại hàng Refurbished và Reconditioned không đáng tin cậy bằng hàng Brand New. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chất lượng hai loại hàng đó không tốt.

Thông thường, chất lượng hàng hóa còn phụ thuộc vào tên tuổi, uy tín của nơi bán và thường nguồn hàng sẽ không được đảm bảo như nguồn hàng của hãng sản xuất. Các công ty Việt Nam thường nhập hàng từ các công ty Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia...

Một số nhân viên kỹ thuật của các công ty chuyên nhập hàng về cho biết, lỗi thường thấy của những loại này là bị điểm chết trên màn hình sau một thời gian ngắn sử dụng, hoặc màn hình hay bị một đường sáng thẳng kéo ngang qua hay bị giựt hình.

(Theo e-Chip Mobile)

No comments: